Khoa học công nghệ chăn nuôi thú y có vai trò then chốt, quan trọng trong sự phát triển nhanh của ngành chăn nuôi thời gian qua và đã được thực tiễn chứng minh. Tuy nhiên, trước các thách thức khó lường về hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới nổi, ngành chăn nuôi thú y muốn phát triển bền vững, hiệu quả thì hoạt động khoa học, công nghệ của ngành cần có nhiều hơn nữa những định hướng mới, đột phá về nghiên cứu và những chính sách linh hoạt để tháo gỡ những khó khăn cho ngành.
Đó là nội dung được thảo luận trong Hội thảo Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi Thú y định hướng phát triển bền vững (SAPVET), do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 25/9/2020 tại Hà Nội.
- Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hơn 200 nhà nhà quản lý, nhà khoa học từ các viện, trường, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y; và hàng trăm sinh viên đã tới tham dự, để tổng kết những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và những cập nhật mới nhất về khoa học công nghệ để thảo luận, định hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi.
GS TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ngành chăn nuôi Thú y có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế, an sinh, xã hội của đất nước, với vai trò cung đủ thực phẩm cho 100 triệu dân và hơn 18 triệu khách du lịch mỗi năm. Cũng trong giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại của nước ta đã tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần.
Một số sản phẩm chăn nuôi đã xuất khẩu như sữa và các sản phẩm sữa, thịt gà, lợn sữa, mật ong,… khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi thú y đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và khó lường như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid -19, biến đổi khí hậu, hội nhập sâu rộng, nhưng ngành vẫn vượt qua. Thực tiễn cho thấy, chăn nuôi bò và gia cầm vẫn tăng trưởng và tái đàn lợn được tăng cường. Đây là những cố gắng, nỗ lực lớn của ngành, và có được kết quả đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng, then chốt của khoa học công nghệ trong chăn nuôi thú y.
Thời gian tới, với xã hội yêu cầu ngày ngành chăn nuôi ngày càng cao như phải đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, tăng cường công nghệ chế biến sâu.. Mặt khác, các thách thức ngày càng nhiều, khó lường đòi hỏi cần có sự đột phá về khoa học công nghệ trong chăn nuôi thú y, cần có cơ chế chính sách linh hoạt để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.
Vì vậy, GS TS Nguyễn Thị Lan khẳng định, hội thảo giúp đánh giá kết quả đạt được trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y giai đoạn 2017-2020; rút ra bài học; định hướng nghiên cứu lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu, phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng trưởng bền vững giai đoạn 2021-2025. Thông qua diễn đàn này, cũng giúp cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp địa phương chia sẻ khó khăn, bài học, thách thức, gợi mở để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi thú y phát triển.
TS Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NN&PTNT)
Tại hội thảo, đại diện Bộ NN&PTNT, TS Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ nhận định, giai đoạn vừa qua chăn nuôi thú y gặp khó khăn nhưng đã vượt qua những khó khăn và thách thức đó và thực tế là liên tục phát triển. Đó là thành tựu quan trọng của ngành nông nghiệp và phát triển Việt Nam.Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế.
TS Nguyễn Giang Thu cho rằng, có nhiều chương trình khoa học công nghệ được mở ra như chương trình trọng điểm quốc gia, các nguồn từ Bộ Khoa học Công nghệ và các địa phương là những cơ hội để nhà khoa học có thể tham gia trực tiếp vào sự phát triển của ngành. Thời gian qua, chúng ta có nhiều nghiên cứu khoa học mạnh về giống, thời gian tới cần nhiều thêm các nghiên cứu về dinh dưỡng, công nghệ nuôi,… Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến, chuỗi sản xuất vẫn còn ít nghiên cứu và chưa được chú ý nhiều.
TS Nguyễn Giang Thu cũng đánh giá cao Khoa Chăn nuôi, Khoa Thú y và Khoa trồng trọt của Học viện thời gian qua cũng có nhiều nghiên cứu, công trình khoa học như một “luồng gió mới” vào hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT mong muốn Học viện nói riêng và các cơ sở nghiên cứu khác nên hình thành nhiều hơn nữa các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Ở đó tập hợp các nhà khoa học trẻ mạnh về công nghệ, được tiếp thu kỹ thuật hiện đại, được đào tạo bài bản và các nhà khoa học “cây đa cây đề” với bề dày kinh nghiệm, có thể tương hỗ cho nhau, sẽ tạo nên một nhóm nghiên cứu mạnh, tinh hoa, tạo nên những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và được áp dụng vào thực tiễn.
Cùng với đó, TS Nguyễn Giang Thu cho rằng, các nhà khoa học cũng cần tiếp cận theo hướng mới đó là công nghệ số, công nghệ blockchain, nghiên cứu các mô hình sản xuất chăn nuôi hiện đại, quản lý chuỗi, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo truy xuất nguồn gốc…
Hội thảo Khoa học Công nghệ Chăn nuôi Thú y định hướng phát triển bền vững 2020 (Sapvet) nhận được sự ủng hộ, tài trợ của các doanh nghiệp, cụ thể:
Tài trợ Vàng: Công ty MSD Việt Nam, Tập đoàn Mavin, Công ty Cổ phần FOSS Việt Nam.
Tài trợ Bạc: Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Thiết bị Hóa chất Thăng Long, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Tài trợ Đồng: Công ty Hòa Phát, Công ty GreenFeed, Công ty Sunjin, Công ty Cường Thịnh, Công ty Tiến Việt Thái, Công ty Hải Thịnh, Công ty Megavet, Công ty Vet Equipments, Công ty Hưng Thịnh, Công ty VMC Việt Nam.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Ban tổ chức hội thảo chụp ảnh lưu niệm với các nhà tài trợ, Hội, Hiệp hội, nhà quản lý, nhà khoa học
TS Nguyễn Công Thiếu , GS.TS. Lê Đức Ngoan, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, PGS.TS.Lê Đình Phùng, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch (từ trái sang) chủ trì phiên toàn thể
TS Nguyễn Văn Lý (Vụ Khoa học công nghê và Môi trường) trình bày báo cáo: Kết quả nghiên cứu giai đoạn 2017-2020 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y
PGS. TS Phạm Kim Đăng (Trưởng Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với bài trình bày về “Hoạt động khoa học công nghệ lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam”
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu ý kiến tại hội thảo
Đại diện Viện Chăn nuôi trình bày một số sản phẩm khoa học công nghệ đã và đang chuyển giao vào sản xuất của Viện Chăn nuôi
TS Phạm Công Thiếu, PGS TS Đỗ Đức Lực, PGS TS Nguyễn Hữu Văn điều hành chuyên đề Khoa học Chăn nuôi (buổi chiều ngày 25/9/2020)
GS Vũ Duy Giảng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam với những ý kiến tâm huyết cho ngành Chăn nuôi thú y khi trình bày chủ đề “Những kết quả trong ghiên cứu về dinh dưỡng 10 năm qua và định hướng trong thời gian tới” tại chuyên đề I Khoa học Chăn nuôi
PGS.TS Bùi Trần Anh Đào (Trưởng Khoa Thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chủ trì chuyên đề 2 Khoa học Thú y (buổi chiều ngày 25/9/2020)
“Nghiên cứu động thái progesteron trong bệnh buồng trứng bò sữa và ứng dụng điều trị” là bài tình bày của PGS TS Sử Thanh Long tại chuyên đề 2: Khoa học Thú y
ThS Đặng Ngọc Hoàng – Tổng giám đốc Công ty MSD Việt Nam trình bày công nghệ tiêm vắc xin trong da (IDAL) trong chăn nuôi heo, một giải pháp an toàn trong bối cảnh ASF
Gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ của Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại khu trưng bày của hội thảo
Tập đoàn Mavin giới thiệu các sản phẩm tại khu trưng bày của hội thảo
Gian hàng trưng bày máy móc, thiết bị của Công ty FOSS Việt Nam
Gian hàng của Công ty MSD Việt Nam thu hút sự quan tâm của các đại biểu
Bài và ảnh: Hà Ngân
Chiều cùng ngày, kết luận hội thảo “Khoa học và công nghệ chăn nuôi thú y định hướng phát triển bền vững”, GS TS Nguyễn Thị Lan tổng kết: Thông qua các báo cáo tâm huyết của các nhà khoa học, hội thảo đã chỉ ra những vấn đề cấp thiết cho cho khoa học công nghệ chăn nuôi thú y trong bối cảnh chăn nuôi phát triển nhanh, thiếu bền vững, vẫn chú trọng năng suất cao nhất, chưa chú trọng đến vấn đề môi trường, khả năng thương mại hóa sản phẩm…
Hội thảo cũng đã thảo luận về những rào cản cơ chế chính sách, tài chính còn vướng mắc, chưa thúc đẩy, tạo động lực liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp, trường đại học; chưa thúc đẩy chuyển việc giao các kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, hội thảo cũng đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn chăn nuôi trong giai đoạn sắp tới, giúp cơ quan quản lý điều chỉnh chính sách hướng đến ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, GS TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam