NGÀNH THÚ Y KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG VÀO NGÀY 11/07 TẠI HẢI PHÒNG

Sáng 3/6, tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố về các nội dung chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm ngành Thú y.

  Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc. Ảnh: Đinh Mười.

 Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc. Ảnh: Đinh Mười

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Cục Thú y thông tin về tiến độ chuẩn bị Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện Cục Thú y, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã trao đổi về các nội dung cơ bản của Lễ kỷ niệm như: Tổ chức xây dựng các tài liệu, kỷ yếu, phim phóng sự và các kịch bản về 70 năm Ngày truyền thống ngành Thú y; tổ chức triển lãm các thành tựu và kết quả nổi bật của ngành Thú y Việt Nam; tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thú y; tổ chức liên hoan chào mừng; tổ chức Lễ kỷ niệm và các hoạt động tuyên truyền các thành tựu, kết quả của ngành Thú y trong 70 năm và định hướng phát triển trong tương lai.

Về cơ bản, giữa các đơn vị và TP Hải Phòng đã có sự kết hợp tốt trong quá trình chuẩn bị, các công đoạn cơ bản đã và đang hoàn thành. Một số vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị như kinh phí, đại biểu, quy mô, địa điểm... đã được mổ xẻ và giải quyết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã thống nhất phương án tối ưu để đảm bảo Lễ kỷ niệm diễn ra long trọng, an toàn, tiết kiệm, phát huy tối đa giá trị và thành công tốt đẹp.

Ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đồng tình với quan điểm của Bộ NN-PTNT tổ chức lễ kỷ niệm xứng tầm và thành phố sẽ nỗ lực cùng tham gia để đảm bảo Lễ kỷ niệm thành công. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT quyết định quy mô, mức độ, nội dung của buổi lễ. 

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, đây là việc của ngành, của Bộ, có vai trò rất quan trọng. Ngành đã họp nhiều lần liên quan đến vấn đề này, các đơn vị cần rà soát lại cụ thể, chi tiết hóa nhiệm vụ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý việc thông tin tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò quan trọng của ngành Thú y. Đây là việc quan trọng, cần làm sớm.

Hoạt động kỷ niệm 70 năm ngành Thú y có 6 nội dung, trong đó có hoạt động tổ chức triển lãm các thành tựu và kết quả nổi bật của ngành Thú y Việt Nam trong 70 năm qua.

 Hoạt động này được đánh giá là một điểm nhấn cho sự kiện thể hiện các thành tựu và kết quả nổi bật của ngành Thú y Việt Nam trong 70 năm qua.

         Toàn cảnh buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Lãnh đạo Cục Thú y với UBND TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Lãnh đạo Cục Thú y với UBND TP Hải Phòng. Ảnh Đinh Mười

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 125-SL về việc bài trừ dịch tễ, dịch bệnh gia súc. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, đánh dấu lịch sử phát triển của ngành Thú y Việt Nam.

Sắc lệnh 125-SL cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về thú y hiện nay và là cơ sở để Cục Thú y báo cáo Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Ngày truyền thống ngành Thú y là ngày 11/7 tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 12/7/2005.

70 năm hình thành và phát triển, ngành Thú y đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể là những đóng góp rất quan trọng trong hỗ trợ cho sự phát triển của ngành sản xuất, chế biến động vật và sản phẩm động vật.

Chủng loại, số lượng gia súc, gia cầm và các vật nuôi ngày càng tăng; thực hiện tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh; quản lý tốt thuốc, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm... góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi. Những thành tựu của thú y Việt Nam được Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Năm 1949, tại Hội nghị Thú y toàn quốc đã vinh dự được nhận thư của Bác Hồ. Trong thư Bác viết: "Chăn nuôi rất quan trọng cho kinh tế nước nhà. Mong toàn thể cán bộ Thú y xung phong thi đua ái quốc tìm cách thiết thực phát triển và bảo vệ gia súc. Mong các anh em chú ý mấy điều sau đây: (1) Phải nhận thức cho rõ rệt và phải tích cực thực hiện phương châm đem chuyên môn làm việc cho nhân dân; (2) Phải sửa đổi lề lối làm việc theo những phương pháp mới. Gần dân, hiểu dân, tìm hiểu những kinh nghiệm của dân để phối hợp với sở trường khoa học của mình".

                                                            Nguồn:Chuyên mục Thời sự Nông nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam