Ngành chăn nuôi heo cần tang cường chuỗi kết nối liên kết

Sau Tết Đinh Dậu, người chăn nuôi vùng Đông Nam bộ đã bớt rầu rĩ khi giá heo hơi nhích lên mức 37.000 đồng/kg, tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm tháng Chạp năm Bính Thân. Đây là niềm vui nho nhỏ cho các nông hộ dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, cú trượt giá thê thảm của năm 2016 đang đặt vấn đề cần cho ngành chăn nuôi heo khu vực này.

Ngành chăn nuôi heo cần tăng cường chuỗi liên kết

Do được giá từ các năm trước, năm 2016 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển đàn heo lên khoảng 400.000 con, tỉnh Bình Phước cũng gần 400.000 con và đặc biệt là ở Đồng Nai, đàn heo phát triển chóng mặt, với 2,2 triệu con, đứng đầu cả nước. Thông thường, người chăn nuôi dành nguồn hàng để bán ra trong dịp tết nhưng Tết Đinh Dậu 2017, giá heo hơi xuống tới đáy, chỉ còn  26.000 – 27.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lỗ nặng đến trên dưới 2 triệu đồng/con heo xuất chuồng. Nguyên nhân khiến giá heo xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua được chỉ ra, đó là do Trung Quốc ngừng nhập heo của Việt Nam dẫn đến heo tồn lớn, giá sụt mạnh. Chỉ tính mức tối thiểu mỗi con heo lỗ 1 triệu đồng, thì trong năm 2016, người chăn nuôi tại vùng Đông Nam bộ đã bị lỗ gần 3.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Quang, một hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) nhận định, nguyên nhân chính khiến giá heo hơi hiện tăng trở lại là do nguồn cung đã giảm, vì vừa qua, giá heo tuột dốc quá sâu, nhiều chủ trang trại đã bán đổ, bán tháo, tổ chức “treo chuồng” khá nhiều.

Việc giá heo hơi có dấu hiệu khởi sắc dịp đầu năm mới đã khiến người chăn nuôi kỳ vọng thị trường heo hơi sẽ bớt ảm đạm trong thời gian tới song giá bán heo hơi hiện nay vẫn còn khoảng cách nhất định với giá thành sản xuất và cung vẫn còn lớn hơn cầu khá nhiều. Do đó, đây là lúc người chăn nuôi ở vùng Đông Nam bộ phải tính tới việc “giảm đàn, tăng chất”. Tại Đồng Nai, “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, toàn tỉnh còn tồn khoảng 400.000 con heo có trọng lượng từ 70kg trở lên. Trung bình mỗi ngày, nhu cầu tiêu thụ tại Đồng Nai và xuất đi TPHCM chỉ hơn 5.000 con và cần ít nhất 3 – 4 tháng trở lên để giải quyết hết số heo tồn.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, sở hiện đang kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chế biến tăng cường thu mua heo và tiếp tục khuyến cáo người nuôi heo phải nhìn vào thị trường để kịp thời điều chỉnh quy mô đàn, tránh rủi ro càng nuôi càng thua lỗ.

Để tránh tình trạng dội chợ, ngành chăn nuôi heo khu vực rất cần tăng cường các chuỗi liên kết, có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác, với các hộ chăn nuôi. Đồng thời, cũng cần điều chỉnh hướng sản xuất từ chạy theo số lượng sang chất lượng, sản xuất thịt sạch – chất lượng cao thay vì chỉ chăm chăm vào thị trường Trung Quốc để vừa tránh rủi ro, vừa tăng giá bán, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Tác giả: Đức Trung
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng