Cùng với chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm, thời tiết nắng nóng bất thường cũng là một trong nhiều khó khăn mà các hộ chăn nuôi gà đồi Phú Bình gặp phải.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, giám đốc HTX Gà đồi Đông Thịnh. Ảnh: Quang Linh:
Thời tiết nắng nóng, gà dễ bị bệnh
Với địa hình đồi bát úp, đất gò thấp, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) được thiên nhiên ban tặng điều kiện rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà thả đồi quy mô lớn. Xuất phát từ truyền thống chăn nuôi của địa phương, ông Nguyễn Văn Thịnh trú tại huyện Phú Bình đã có gần 15 năm gắn bó với con gà đồi Phú Bình.
Cùng với chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm, thời tiết nắng nóng bất thường cũng là một trong nhiều khó khăn mà các hộ chăn nuôi gà đồi Phú Bình gặp phải.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, gà đồi Phú Bình có ngoại hình đẹp, thịt chắc, thơm, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao, nặng tới 2,5kg/con. Để cho ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đàn gà được chăn thả tự nhiên kết hợp với quy trình chăm sóc khép kín từ chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, thú y tới khi xuất bán.
Khác với hình thức chăn nuôi công nghiệp, gà đồi Phú Bình có đặc thù phải chăn thả tự nhiên trong quá trình sinh trưởng để cho thịt chắc, ngọt. Tuy nhiên, điều này cũng khiến những chú gà đồi dễ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết.
Theo đó, gà là loại gia cầm không chịu nhiệt tốt do cơ thể sở hữu lớp lông dày, không có tuyến mô hôi để giải phóng thân nhiệt. Do đó, khi nhiệt độ tăng cao vào mùa hè, thời tiết oi bức, gà dễ bị say nắng, cơ thể kém sức đề kháng. Điều này có thể khiến gà bị stress và mắc các bệnh như: dịch tả, thương hàn, ecoli… Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vật nuôi, giảm sút chất lượng và sản lượng.
“Con gà chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết do mình nuôi theo hình thức chăn thả. Nóng quá không được, lạnh quá cũng không được. Nếu thiếu quan tâm, bổ sung chất dinh dưỡng vào thức ăn, nước uống gà sẽ sụt cân rất nhanh, thậm chí mắc nhiều loại bệnh do đề kháng suy giảm”, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.
Dù được chăn thả tự do trong vườn, nhưng gần như toàn bộ đàn gà đồi của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, thành viên HTX Gà đồi Đông Thịnh đều ở trong chuồng do nhiệt độ ngoài trời lên tới 37 độ C dù đã gần 5 giờ chiều (Ghi nhận ngày 11/7/2023). Ảnh: Phạm Hiếu.
Là Giám đốc Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh, ông Nguyễn Văn Thịnh luôn dành thời gian đến từng nhà, nhắc nhở các xã viên quan tâm chăm sóc đàn gà, không được lơ là, chủ quan. Trong đó, luôn đảm bảo chuồng gà được chống nóng, có quạt mát bởi khi trời quá nóng, bóng râm dưới tán cây không đủ gà cần có nơi để trú nóng hiệu quả.
Cùng với đó, cần cung cấp đầy đủ nước uống, thức ăn đầy đủ. Ngoài ra, khi thấy gà có dấu hiệu bị bệnh, suy giảm sức đề kháng cần báo cho lực lượng thú ý chuyên trách, sử dụng thuốc thú y theo đơn và có sự hướng dẫn có bác sĩ thú y. Đặc biệt, các xã viên cũng được nhắc nhở không sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi để tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu gà đồi Phú Bình nói chung.
Nhắc nhở, đốc thúc nhiều là thế, tuy nhiên, trong hợp tác xã (HTX) vẫn ghi nhận gia đình thiệt hại tới 1.000 con gà tuổi trưởng thành do không chăm sóc tốt, gặp nhiều loại bệnh do thời tiết nắng nóng.
“Tính từ lúc thành lập HTX Gà đồi Đông Thịnh, tôi chưa thấy năm nào thời tiết nóng bức và gặp nhiều khó khăn như năm nay. Thời điểm tôi mới bắt đầu chăn nuôi, thời tiết ôn hòa, gà lớn nhanh, ít bệnh tật, không tốn công chăm sóc nhiều”, ông Thịnh lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Long, thành viên HTX Gà đồi Đông Thịnh cho biết, cũng giống các khó khăn chung của ngành chăn nuôi, hiện giá bán sản phẩm không đủ trang trải các chi phí đầu vào như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị, tiền điện,… Cùng với đó, việc thời tiết nắng nóng khiến gà kén ăn, tiêu hóa chậm, cân nặng mỗi con có thể giảm tới nửa cân so với thời điểm thời tiết mát mẻ vào đầu năm.
Thời tiết nắng nóng, anh Long cũng phải tăng cường thêm các chất điện giải cho con gà. Ngoài ra, tiền nước và công lao động thay nước cho gà uống cũng tăng lên.
Anh Nguyễn Văn Trọng, thành viên HTX Gà đồi Đông Thịnh bổ sung các chất điện giải vào nước uống cho gà. Ảnh: Quang Linh.
Giải pháp từ chuyên gia
Chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và gia tăng sức đề kháng trên đàn gà trong thời tiết nắng nóng, TS. Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Toàn Thắng cho rằng, người chăn nuôi cần thiết phải áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng chống tình trạng stress nhiệt cho đàn gà như cải thiện chất lượng và tăng độ thoáng mát của chuồng trại.
Đồng thời, cần tăng cường sử dụng các sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, kết hợp sử dụng các loại kháng sinh thảo dược, axit hữu cơ, kháng sinh tổng hợp, thuốc khử trùng nhằm phòng chống các vi khuẩn gây bệnh nói chung và các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa nói riêng.
Cụ thể, bà con có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B, beta-glucan, các khoáng chất đa lượng và vi lượng, probiotic,… giúp giải nhiệt, tăng sức đề kháng, giải độc, nâng cao sức khỏe, phòng chống stress nhiệt cho đàn gia cầm như SUPER SOL (1g/lít nước uống), TT-SUPPERLYTE (1g/lít nước hoặc 1gram/2kg thức ăn), GLUCAN-C (1g/lít nước uống hoặc 1-2kg/tấn thức ăn).
Cùng với đó, kết hợp sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh hoặc kháng sinh thảo dược nhằm phòng bệnh đường tiêu hóa cho đàn gà như ECO BERRIL có kháng sinh thảo dược Berberin chiết xuất từ cây Hoàng Đằng giúp kiểm soát hiệu quả các bệnh tiêu chảy do E.Coli, Salmonella, Clostridium perfringens gây ra và hạn chế tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ thú y có thể kê đơn sử dụng các sản phẩm kháng sinh tổng hợp để phòng bệnh đường tiêu hóa do vi khuẩn. Đặc biệt, đối với các hộ nuôi gà theo hình thức chăn thả cần bổ sung các vị trí có mái che làm mát cho đàn gà tránh nắng nóng và tăng số lượng máng ăn, máng uống để gà không phải đi lại nhiều hoặc chen chúc khi ăn uống.
Người chăn nuôi cũng cần đảm bảo tẩy giun sán định kỳ và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như Newcastle, Gumboro, Cúm gia cầm, Marek… Thường xuyên theo dõi phát hiện sớm gia cầm ốm và cách ly điều trị kịp thời tránh lây lan toàn đàn.
Dù là sản phẩm đặc sản của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và có chứng chỉ an toàn VietGAP, tuy nhiên sản phẩm tại HTX Gà đồi Đông Thịnh vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra trong thời điểm hiện nay do chưa có doanh nghiệp ký kết thu mua.
Hiện nay, sản phẩm gà đồi của HTX đang được thương lái thu mua với giá 67.000 - 70.000 đồng/kg, thấp hơn 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với gà 5 tháng tuổi, mẫu mã đẹp sẽ có giá cao hơn.
“Tình hình chăn nuôi khó khăn quá, từ năm ngoái tới nay sản lượng gà toàn HTX giảm hơn 50%. Riêng gia đình tôi đã giảm nuôi hơn 3.000 con, dừng hoạt động 3 chuồng”, ông Thịnh chia sẻ.
Đại diện HTX Gà đồi Đông Thịnh mong muốn ngành nông nghiệp địa phương xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình tới các doanh nghiệp để HTX và bà con trên địa bàn có đầu ra ổn định với giá bán cao.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam