Nhân ngày Trứng Thế giới 2021: Thị trường Trứng Đông Nam Á trong bối cảnh dịch bệnh

Ngày Trứng Thế giới (World Egg Day) được tổ chức trên toàn thế giới vào Thứ Sáu, tuần thứ 2 của tháng 10 hàng năm, kể từ năm 1996 với mục đích giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của quả trứng và tầm quan trọng của chúng đối với dinh dưỡng con người.

Năm 2021, ngày Trứng Thế giới diễn ra vào ngày 08/10/2021, đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập, với chủ đề chính là “Eggs for all: Nature’s perfect package” (tạm dịch: Trứng cho tất cả: Món quà hoàn hảo của thiên nhiên).

Món quà hoàn hảo của thiên nhiên

Trứng là một trong những nguồn thực phẩm tự nhiên giàu chất dinh dưỡng nhất trên hành tinh. Tính tốt lành toàn diện của nó có thể được thu hút bởi tất cả mọi người, từ 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời cho đến khi về già.Bên cạnh đó, trứng còn là một nguyên liệu vô cùng linh hoạt, dùng được cho cả món ngọt và món mặn. Từ món trứng luộc khiêm tốn đến món súp của đầu bếp bậc thầy, trứng có một vị trí quan trọng như một thành phần trong nhiều công thức nấu ăn. Không có quốc gia nào trên thế giới không sử dụng rộng rãi trứng trong các món ăn truyền thống của mình.

Trứng không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, là nguồn cung cấp protein chất lượng cao và ít calo. Ngoài protein, trứng còn chứa vitamin B, D và một tỷ lệ tốt các khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe. Chúng thậm chí còn được đựng trong một thùng bảo vệ có thể phân hủy sinh học. Bên cạnh những lợi ích dinh dưỡng tích cực mà bạn nhận được từ việc ăn trứng, chúng tương đối rẻ.Cùng với nhiều lợi ích dinh dưỡng, trứng là loại protein có nguồn gốc động vật bền vững với môi trường và giá cả phải chăng nhất hiện có, giúp hỗ trợ các gia đình trên toàn thế giới cũng như chính hành tinh này.

Nhiều quốc gia hiện tham gia vào Ngày Trứng Thế giới, tổ chức rất nhiều sự kiện và hoạt động. Bao gồm, phát trứng miễn phí; các chương trình phát sóng quảng cáo và giáo dục trên các phương tiện truyền thông xã hội; những ngày vui học; và các cuộc thi và trình diễn nấu ăn.

Thị trường trứng các nước khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh dịch bệnh

Sản lượng tiêu thụ trứng tại một số quốc gia

Việt Nam: Chủ yếu vẫn phục vụ thị trường nội địa

Theo TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), năm 2020, sản lượng trứng của Việt Nam đạt 14.540 triệu quả, trong đó trứng gà chiếm 71,8%, trứng vịt chiếm 28,2%. So với năm 2020, trong năm 2021 sản lượng trứng đã tăng lên 2,018 lần. Trung bình, tốc độ tăng trưởng về chỉ tiêu sản lượng trứng trong 10 năm trở lại đây của Việt Nam đạt 9,33%, tăng cao nhất trong toàn bộ các loại sản phẩm sản xuất của ngành chăn nuôi. “Đây có thể ghi nhận là nhờ sự kỳ công và đóng góp đáng quý của ngành gia cầm trong việc nâng cao chất lượng sống cho người Việt”, TS Đoàn Xuân Trúc chia sẻ.

Năm 2021, tính trung bình lượng tiêu thụ trứng của người dân Việt Nam đạt 149,37 trứng/người/năm, tăng gần 2 lần so với thời điểm năm 2011 (78 trứng/người/năm). Dự kiến, phấn đấu đến năm 2030 người Việt sẽ tiêu thụ trứng bình quân 220 trứng/người/năm, vào nhóm nước có ngành chăn nuôi gia cầm phát triển và đời sống khá.

  Bên cạnh đó, TS. Đoàn Xuân Trúc cũng nhận định, hiện tại ngành trứng Việt Nam chủ yếu vẫn là phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Một số ít xuất khẩu sang các nước lân cận nhưng chủ yếu là trứng vịt, sản phẩm trứng muối. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây xuất khẩu có xu hướng giảm, đạt khoảng 20 triệu trứng/ năm. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã cho thí điểm xuất khẩu sản phẩm bột trứng sấy khô sang một số nước trong khu vực, song sản lượng không đáng kể.

Thời gian này, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến người nuôi gia cầm Việt Nam hạn chế tái đàn, do cả năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 người nuôi phải bán dưới giá thành, nhu cầu tiêu dùng cũng ảnh hưởng do Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục… Nguồn cung thiếu đã đẩy giá trứng lên cao.

Malaysia: Cung vượt cầu, đơn vị sản xuất nhỏ lẻ khó tồn tại trong 2 năm tới

Trái với tình hình thị trường trứng Việt Nam, tại Malaysia hiện nay ngành công nghiệp trứng đang phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, giá trứng giảm sâu.

Ông Lee Yoon Yeau, Phó Chủ tịch Liên đoàn Hội người Chăn nuôi Malaysia (FLFAM) cho biết, làn sóng Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp gia cầm của Malaysia, chi phí logistic, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng mạnh, cùng với việc áp dụng sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đã đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, giá trứng vì thế cũng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã tìm cách thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường sang Macao để giải quyết tình trạng cung vượt cầu. “Để tránh tình trạng cung vượt cầu, chúng tôi đã tính đến phương án giảm công suất sản xuất của các nhà máy. Tình hình này kéo dài, những hộ sản xuất trứng gia cầm nhỏ lẻ rất có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề giải thể trong 2 năm tới”, ông Lee Yoon Yeau nhận định.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp trứng Malaysia được đánh giá là tương đối phát triển, sản xuất khoảng 30 triệu quả trứng/ngày. Trong đó, xuất khẩu khoảng 3 triệu quả trứng/ ngày sang thị trường Singapore. Đây là thị trường tiêu thụ trứng truyền thống của Malaysia, phần lớn đơn hàng xuất khẩu trứng đều tại thị trường này. Cách đây 2 năm, khi Singapore áp dụng chính sách với các nhà nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu trứng của Malaysia sang thị trường này đã giảm khoảng 5%. “Hiện tại, chúng tôi đang vận động Chính phủ ký kết các Hiệp định với Singapore để tăng cường kim ngạch xuất khẩu trứng sang thị trường lớn này”, ông Lee Yoon Yeau cho biết thêm.

Thái Lan: Mục tiêu tăng mức tiêu thụ đầu người lên 300 trứng/người/năm

Việc sản xuất trứng tại Thái Lan chủ yếu tập trung tại các trại quy mô lớn khu vực miền Trung và miền Đông Thái Lan. Thái Lan đang hướng đến việc đẩy mạnh, nâng cao tiêu chuẩn ứng dụng vào các trang trại. Hiện có khoảng 62% các trang trại cung ứng trứng trên thị trường nằm trong nhóm đạt chuẩn. Ngành trứng Thái Lan đã có sự điều phối, kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan thông qua Hội đồng trứng Thái Lan, đưa ra những chính sách, chiến dịch thường xuyên, linh hoạt để hỗ trợ ngành trứng thích ứng với thị trường. Nhờ đó, việc tiêu thụ trứng đã trở nên thuận lợi hơn.

Cũng theo Hội đồng Trứng Thái Lan, hiện tổ chức này đang triển khai kế hoạch hành động ‘Kinh doanh trứng bền vững’. Để triển khai thành công kế hoạch này, Thái Lan cần quản lý chặt chẽ chất lượng của gà bố mẹ, phát triển thành những trang trại đạt chuẩn. Chuẩn hóa các tiêu chuẩn về sản phẩm trứng xuất bán. Bên cạnh đó, Hội đồng trứng Thái Lan cho biết, sẽ có những chiến dịch truyền thông hướng đến việc nâng mức tiêu thụ trứng trên đầu người tại Thái Lan lên 300 trứng/ người/ năm.

Philippines: Còn nhiều dư địa để phát triển ngành trứng

Tại Philippines, trứng là nguồn thực phẩm được sản xuất phổ biến. Trứng tại Philippines đã đáp ứng đủ 4 tiêu chuẩn: giá cả phải chăng, khả năng cung ứng, chất lượng trứng và tính bền vững. Tuy nhiên, ngành trứng Philippines hiện vẫn có thể xuất hiện những rủi ro.

Dân số Philippines hiện đang là 110 triệu người, nhưng số lượng gà bố mẹ phục vụ cho sản xuất trứng mới chỉ đạt 64,4 triệu con. Sản lượng trứng năm 2020 đạt 74,16 triệu quả, với mong muốn mỗi người Philippines đều được ăn 1 quả trứng mỗi ngày thì Philippines vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong 3 năm qua, tăng trưởng trung bình ngành trứng nước này đạt 7,1%.

Năm 2021 đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ trứng giảm mạnh, nguồn cung tăng dẫn đến giá bán ra giảm khiến những nhà sản xuất trứng gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng tới việc phát triển ngành trứng theo hướng bền vững. “Covid-19 nhìn chung đã thay đổi hệ thống chính sách lương thực của Philippines. Hiện tại, chúng tôi đặt mục tiêu có thể cung cấp đủ thực phẩm cho số lượng dân số ngày càng tăng trong bối cảnh bình thường mới và đảm bảo phát triển bền vững gắn liền với ngành trứng. Với tình hình như hiện nay, thách thức đối với chúng tôi đang là việc cải thiện mức tiêu thụ trứng nội địa”, bà Cecile Aldueza Virtucio, Giám đốc điều hành Hợp tác xã sản xuất trứng Batangas (BEPCO) chia sẻ. 

Indonesia: Ngành gia cầm đóng vai trò chủ lực trong phát triển nền kinh tế nông nghiệp

Ngành gia cầm Indonesia hiện đang cung cấp 65% lượng đạm gia cầm cho cả nước, 10% lượng lao động của đất nước này đang làm việc trong lĩnh vực gia cầm. Một trong những bước tiến hóa của quốc gia này là đã hiện đại hóa được quy trình sản xuất trong chăn nuôi gà cũng như sản xuất trứng. Tại Indonesia, có hơn 51% trang trại sản xuất gia cầm thuộc phân khúc trại lớn với số lượng gia cầm lên tới hàng triệu con; 32% trang trại sản xuất gia cầm thuộc phân khúc trại trung bình với số lượng đầu con từ vài nghìn đến vài chục nghìn gà đẻ; 15% trại thuộc phân khúc quy mô nhỏ.

Theo thống kê, năm 2018, lượng tiêu thụ trứng tại Indonesia đạt 62 kg/người/năm (120 trứng/người/năm). Mức tiêu thụ này được đánh giá còn khá thấp, nhưng đang có chiều hướng tăng qua các năm. So sánh với một số quốc gia, hiện tại mức tiêu thụ trứng của người dân Indonesia đang thấp hơn so với các quốc gia như Malaysia, Úc, Philippine, Singapore…

Đối mặt với làn sóng Covid-19, các hộ chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ tại Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Thời điểm hiện tại, chỉ những trang trại sản xuất theo quy mô lớn, tiết kiệm chi phí mới có thể đảm bảo được biên độ lợi nhuận.

Nguồn: Tạp chí chăn nuôi Việt Nam.