Sáng 12/1, Cục Thú y phối hợp với Báo Dân trí tổ chức Hội thảo “Quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh vì nền nông nghiệp phát triển bền vững”
Cần sử dụng hợp lý, không quá lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Lượng tồn dư này khó loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản, nếu tích tụ sau 1 thời gian sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đơn cử như kháng sinh Chloramphenicol trước đây là kháng sinh đặc trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau đó bị cấm vì tác dụng phụ gây ức chế sự hoạt động của tủy xương dẫn đến thiếu máu và suy tủy, ngoài ra thuốc này còn có khả năng gây ra hội chứng xanh xám ở trẻ sơ sinh.
Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh có thể làm xuất hiện các chủng kháng thuốc (nhờn thuốc) nên khi điều trị bệnh cho người sẽ không có hiệu quả. Về kinh tế, tác hại của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) nước ta bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất và bị trả về, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các DN và người nuôi trồng thủy sản khiến họ điêu đứng, thậm chí bị thua lỗ, phá sản.
Ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y cho rằng, nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng thì kháng sinh sẽ tràn lan trên thị trường, được sử dụng tùy tiện, bừa bãi. Khi đó, những loại kháng sinh đắt tiền cũng sẽ không có hiệu quả. Hơn nữa, những chủng kháng thuốc từ động vật có thể lây truyền sang người, tạo thành gánh nặng cho ngành y tế, cho cộng đồng, gây tổn thất lớn cho người dân. Đại diện Cục Thú ý cho biết, có nhiều bất cập làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Cụ thể, thú y cơ sở không được đào tạo bài bản nên nhiều thú y viên không nắm vững nguyên tắc sử dụng kháng sinh. Điều này dẫn đến việc sử dụng tùy tiện, thậm chí còn có hiện tượng sử dụng thuốc hết hạn, thuốc thừa để tiêm cho vật nuôi.
Lạm dụng thuốc kháng sinh trong thuốc thú y sẽ gây ra những hậu quả khó lường như làm biến dạng triệu chứng bệnh lý, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, gây dị ứng, nhiễm độc gan, thận, thần kinh thính giác, xương… thậm chí gây ung thư. Trước thực trạng trên, hiện nay, việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y đã được Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ. Trong giấy phép nhập khẩu, Cục Thú y ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y; yêu cầu đơn vị nhập khẩu báo cáo việc sử dụng, kinh doanh đúng mục đích thì mới được đăng ký nhập nguyên liệu cho lô hàng tiếp theo.
Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, theo các chuyên gia, cần sớm xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ và sát thực tế hơn đối với trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y; tăng cường đầu tư cho các chương trình tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả của kháng kháng sinh và cách sử dụng kháng sinh hợp lý. Ngoài ra, cần thiết lập kênh thông tin phản ánh tác dụng có hại, các phản ứng có hại của thuốc; xây dựng hệ thống cảnh báo dược học thú y, đánh giá tác hại của thuốc thú y đối với người sử dụng, động vật và môi trường. Tổ chức truy xuất nguồn gốc nguyên nhân gây tồn dư hóa chất, kháng sinh đối với các lô hàng xuất khẩu bị trả về để kiểm tra và xử lý cơ sở cung cấp kháng sinh, thuốc thú y ngoài danh mục.
Tại hội thảo các chuyên gia Bộ Y tế đề nghị giám sát chặt chẽ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc trị bệnh cho ngành y tế, đặc biệt là các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu về được sử dụng đúng mục đích, đối tượng.
Nguồn: nongnghiep.vn