NHIỆT ĐỘ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỈ LỆ DỊ HÌNH CỦA ẤU TRÙNG CÁ CHIM VÂY VÀNG.

 

                    h1_2

Cá chim vây vàng

      Nghiên cứu mới đây của Trần Thị Mai Hương và ctv tại Trung tâm quốc gia Giống hải sản miền Bắc, Cát Bà, Hải Phòng cho rằng để giảm tỉ lệ dị hình trong quá trình ương nuôi nên duy trì nhiệt độ thích hợp trong giai đoạn ương phôi ấu trùng.

      Cá Chim vây vàng (Trachinotus blochii) đã được nuôi thành công ở các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc (Gopakumar, 2012; Pinlan et al. 2007). Tại Việt Nam, đây là đối tượng nuôi mới, đang được khuyến khích trở thành đối tượng nuôi chính vì có giá trị kinh tế cao, kích thước cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, lại có hình thái đẹp, thịt thơm ngon, ít xương, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn. Cá Chim vây vàng thuộc loài cá rộng muối cá có thể sống được ở độ mặn từ 3 - 33 ppt, nhiệt độ từ 22 – 30oC, oxy hòa tan trên 2,5 ppm.

      Cá Chim vây vàng lần đầu tiên được được sinh sản nhân tạo tại Việt Nam vào 2006 thông qua dự án tiếp nhận công nghệ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình ương nuôi giống cá Chim vây vàng gặp rất nhiều khó khăn về thức ăn, mật độ ương nuôi, dịch bệnh, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ tăng giảm đột ngột gây ra tỷ lệ dị hình ở giai đoạn cá giống cao ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giống. Trong sản xuất giống cá biển, công đoạn ấp trứng là một trong những khâu quan trọng quyết định đến số lượng và chất lượng cá bột. Đây là công đoạn cung cấp nguyên liệu đầu tiên quan trọng trong quy trình sản xuất cá giống. Môi trường ấp có ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng (Kawahara et al., 1997), đặc biệt là nhiệt độ (Petereit et al., 2008).

      Cá là động vật biến nhiệt nên nhiệt độ ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng, phát triển tỷ lệ sống và tỷ lệ dị hình trong quá trình phát triển phôi. Nhiệt độ thấp sẽ làm chậm quá trình phát triển phôi (Small and Bates, 2001; Lin et al., 2006), Ngoài ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của trứng, nhiệt độ nằm ngoài khoảng tối ưu có thể làm gia tăng tỷ lệ dị hình của ấu trùng (Laurence and Roger, 1976; Linden et al., 1979; Das et al., 2006).

 

                 https://tepbac.com/upload/images/2019/10/au-trung_1570155363.png

Một số hình ảnh ấu trùng dị hình

      Do vậy, việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự phát triển ấu trùng cá chim vây vàng là cần thiết nhằm xác định nhiệt độ tối ưu trong quá trình ấp trứng cá chim vây vàng. Nghiên cứu này sẽ giúp hoàn thiện quy trình sản xuất nhân tạo giống cá chim vây vàng.

Bố trí thí nghiệm

      Thí nghiệm được bố trí ở các mức nhiệt độ: 24, 26, 28, 30 và 32oC, trứng được ấp trong điều kiện độ mặn 30‰, trứng ấp trong xô nhựa có thể tích ấp 50 L với mật độ 50 trứng/L, các xô nhựa có sục khí liên tục đảm bảo trứng được đảo đều không lắng vón và máy nâng nhiệt để đảm bảo mức nhiệt độ yêu cầu.

      Một số chỉ tiêu theo dõi: thời gian phát triển phôi, thời gian ấp, thời gian nở, tỷ lệ nở của trứng, tỷ lệ sống của ấu trùng sau 5 và 40 ngày tuổi và tỷ lệ ấu trùng dị hình của mỗi lô thí nghiệm

Kết quả

https://tepbac.com/upload/images/2019/10/bieu-do_1570155658.png
Ảnh hưởng của nhiệt độ lên tốc độ tăng trưởng khối lượng ấu trùng cá chim vây vàng giai đoạn 2 - 40 ngày nuôi

      Kết quả cho thấy khi ấp trứng ở nhiệt độ 32oC cho tỉ lệ dị hình cao nhất là 31,1% và 30oC là 16,7% trong khi đó ấp trứng ở nhiệt độ từ 24 – 28oC cho tỷ lệ dị hình thấp (3,3 - 7,8%), tỷ lệ nở cao (43,8 - 47,7%) và tỷ lệ sống của ấu trùng sau 5 ngày ấp cao (56,8 - 58,6%). Ở mức nhiệt 32oC không còn cá thể nào sống sót, ở mức nhiệt 30oC cho tỷ lệ sống 35,9%.

      Nhiệt độ 26 - 28oC cho tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá chim vây vàng giai đoạn 2 - 40 ngày tuổi thấp nhất (3,98 - 4,02%) và tỷ lệ sống cao nhất (10,48 - 10,69%). Ở mức nhiệt 28oC cho khối lượng, chiều dài (0,68 g và 2,87cm/cá thể) vượt trội so với các mức nhiệt độ khác.

      Cá chim là loài cá phân bố ở vùng biển ấm nên mức nhiệt 26 - 28 oC. Do đó, để đạt được kết quả tốt nhất, giảm thiểu tỉ lệ dị hình bà con nên ấp trứng và ương nuôi ấu trùng cá chim vây vàng đến 40 ngày tuổi ở ngưỡng nhiệt độ dao động trong khoảng 26 – 28 oC là tốt nhất để đạt được năng suất cao và chất lượng giống tốt. Đây cũng là mức nhiệt độ tìm thấy nhiều cá chim phân bố trong tự nhiên.

                                                                                                                                 Nguồn Copy