Chủng ngừa bằng phương pháp phun sương: Những vấn đề thường gặp phải trong và sau khi thực hiện

           Phương pháp phun sương thường được dùng để tiến hành chủng ngừa các vắc-xin sống (hòa tan được trong nước), dưới dạng các hạt nhỏ, phân tán trong không khí để đến các tế bào đích trong cơ thể gà (Jorna, A.). Đây là phương pháp hiệu quả nhất để chủng ngừa phòng bệnh ND (bệnh Newcastle) và IB (Viêm Phế quản Truyền nhiễm) thông qua kích thích hệ thống miễn dịch cục bộ trên đường hô hấp của gà. Một điều cần nhớ, vi-rút ND và IB xâm nhập chủ yếu qua đường hô hấp, nên cơ chế miễn dịch cục bộ sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh này. Bên cạnh đó, phun sương cũng giúp gà có được đáp ứng miễn dịch dịch thể.

Phương pháp này có thể thực hiện tại trại ấp bằng máy phun sương dạng hộp hoặc tại trang trại nuôi với các loại thiết bị phun sương khác nhau và cho phép chủng ngừa số lượng lớn gà trong một thời gian ngắn với chi phí thấp. Tuy nhiên, phun sương không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tốt, nghĩa là: hậu quả xấu có thể xuất hiện bất kì lúc nào do phân bố vắc-xin không đồng đều giữa các gà trong đàn và xuất hiện các phản ứng không mong muốn sau khi tiêm phòng (Post-Vaccination Reactions: PVR) khi quy trình tiến hành không được quản lý tốt.

Để có được kết quả mong muốn khi áp dụng phương pháp phun sương, cần phải lưu ý đến vài điểm quan trọng khi thực hiện, như sự hình thành giọt nước trong không khí và khả năng tiếp xúc với tế bào mục tiêu (đường hô hấp hay tiêu hóa). Do đó, mục tiêu chính của bài viết là mô tả các hiện tượng xảy ra trong suốt quá trình phun sương và một số thời điểm sau quy trình này; nhờ vậy, mọi người sẽ hiểu rõ hơn và cải thiện được kết quả chủng ngừa.

HÌNH THÀNH GIỌT NƯỚC

Phun sương là một quá trình sử dụng một áp lực nhất định để phun dung dịch vắc-xin ra ngoài đầu phun thủy lực dưới dạng những giọt nước. Kích cỡ của các giọt nước phun ra từ các đầu phun thủy lực được quyết định bởi áp lực, kiểu vòi phun và điều kiện môi trường. Các giọt nước này có thể được phân loại theo kích thước của chúng tại thời điểm xuất hiện (sau khi rời khỏi đầu phun): dạng sương hay khí dung (<50 μm), dạng phun mịn (50 – 100 μm) hay dạng phun thô (100 – 150 μm).

Hình 1 Kích cỡ giọt nước trong kỹ thuật phun sương

a. Áp lực

Khi dung dịch vắc-xin được bắn ra ngoài từ vòi phun sẽ ở dạng một dòng dung dịch mỏng và các giọt nước sẽ được tạo hình nhờ các cạnh của vòi phun. Khi áp lực thay đổi, dòng dung dịch này có thể dày hơn (áp lực thấp hơn) hay mỏng hơn (áp lực cao hơn) và sẽ tạo ra các giọt nước lớn hoặc nhỏ tương ứng.

Quy trình này có thể quan sát dễ dàng khi sử dụng máy phun sương thông dụng với hệ thống máy bơm bằng tay và không có máy điều chỉnh áp lực. Trong trường hợp này, tại thời điểm bắt đầu thực hiện, khi áp lực cao thì giọt nước tạo ra sẽ cực kì nhỏ. Tuy nhiên, khi áp lực thùng chứa giảm, giọt nước sẽ trở nên to hơn.

Nắm rõ khái niện này để dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của việc giữ một áp lực cố định trong máy phun sương nhằm có được kích cỡ các giọt nước đồng đều trong suốt quá trình chủng ngừa.

Trong trại ấp, một hiện tượng thật tế khác do áp lực ảnh hưởng đến sự hình thành giọt nước có thể quan sát thấy. Máy phun sương dạng hộp có nhiều vòi phun có thể gặp trục trặc về áp lực khi một trong những vòi phun đó bị tắt một phần hoặc toàn bộ vòi, khi đó không chỉ các giọt nước phun ra không đồng đều giữa các vòi mà còn có thể làm tăng áp lực lên các vòi bình thường khác và tạo ra các giọt nước nhỏ hơn.

b. Vòi phun

Hình 2 Các loại vòi phun trong thiết bị sử dụng trong phương pháp phun sương

Kích thước hạt cũng được quy định bởi các loại vòi phun được sử dụng trong máy phun sương. Cùng một áp lực như nhau, nhưng với các loại vòi phun khác nhau sẽ tạo ra các kích cỡ giọt nước khác nhau, thay đổi từ tạo thành dạng sương cho đến dạng phun thô. Trong thật tế, vòi phun đặc biệt để tạo ra dạng phun thô thường được khuyến khích sử dụng ở lần đầu tiên tiến hành chủng ngừa. Đối với các lần chủng ngừa tiếp theo trong trang trại, các dạng nhỏ hơn có thể thích hợp hơn và nên sử dụng các kiểu vòi phun khác.

Thông thường, nhà sản xuất thiết bị sẽ cung cấp các kiểu vòi phun để tạo ra các giọt nước có kích cỡ trung bình khi sử dụng một áp lực nhất định. Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong thật tế, vòi phun sẽ tạo ra một loạt kích cỡ giọt nước khác nhau, thay đổi từ giọt rất nhỏ cho đến kích cỡ lớn hơn. Điều đó có nghĩa, chỉ sử dụng phun thô, một phần giọt nước sẽ nhỏ hơn so với bình thường và chúng sẽ đi vào hệ thống hô hấp sâu hơn.

c. Điều kiện môi trường

Hình 3 Chủng ngừa phun sương trong trang trại

Kích cỡ giọt nước có thể được đo tại thời điểm xuất hiện (sau khi rời đầu phun) hay tại vùng tiếp xúc (lỗ mũi của những con được chủng ngừa). Tác nhân môi trường, như nhiệt độ cao và / hoặc ẩm độ tương đối thấp có thể là nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong kích cỡ giọt nước giữa hai thời điểm đo này (thời điểm xuất hiện / vùng tiếp xúc) do mất nước. Đây không phải là vấn đề lớn đối với các máy phun sương tại trại ấp, nhưng lại là vấn đề cần lưu ý trong quá trình phun sương trong trang trại.

Kích cỡ của giọt nước cũng bị tác động bởi khoảng cách giữa các vòi phun và gia cầm được chủng ngừa. Do đó, cần giữ khoảng cách không đổi từ vòi phun đến đàn gà trong trại trong toàn bộ quá trình tiến hành phun sương bằng cách tránh di chuyển các vòi phun lên xuống và nên cố gắng để đàn gà có khoảng cách như nhau từ vòi phun đến chúng.

CÁC TẾ BÀO ĐÍCH

Mục tiêu của phun sương nhằm bảo vệ đàn gà phòng các bệnh trên đường hô hấp bằng cách mang kháng nguyên sống đến màng nhầy trên đường hô hấp trên (mũi, xương xoắn mũi, xoang và khí quản) và trong mắt. Mặc dù vấn đề này sẽ không được thảo luận trong bài này, nhưng phun sương cũng có thể được sử dụng trong trường hợp chủng ngừa chống lại bệnh cầu trùng với nhiều tế bào đích khác nhau.

a. Sự hít vào

Sau khi đi vào khoang mũi, không khí hít vào mang theo giọt vắc-xin sẽ bắt đầu xoay tròn do hệ thống xương xoắn mũi phức tạp, ném những giọt có kích thước lớn nhất (> 3μm) vào thành khoang mũi. Tại thời điểm này, hầu hết các hạt vi-rút đều có khả năng bám vào và xâm nhập vào các tế bào biểu mô mũi. Tuy nhiên, một số hạt khác sẽ bị mắc kẹt trong lớp niêm mạc và nhanh chóng di chuyển xuống hầu nhờ sự di động của lông mao và do đó, chúng sẽ được nuốt vào và bài thải ra ngoài qua phân.

Các giọt có kích thước lớn có thể đi qua được khu vực xương xoắn mũi này, sẽ gặp phải hàng rào vật lý trong hầu và khí quản (hệ thống mô-lông mao) và sẽ lắng đọng dọc theo khu vực này. Ngược lại, các giọt nhỏ hơn 3μm ở vùng tác động có thể đi qua tất cả hệ thống phòng vệ này và sẽ đến được phần sâu hơn của đường hô hấp (phổi và túi khí).

b. Sự hấp thu qua niêm mạc mắt

Hình 4 Kiểm tra niêm mạc sau khi thực hiện chủng ngừa phun sương

Các giọt vào vùng mắt có mang theo vắc-xin vi-rút sẽ nhân lên trong các tế bào kết mạc mắt và do đó, kích thích tuyến Harderian. Sau khi được kích thích, mô bạch huyết thứ cấp sẽ đáp ứng sự bảo hộ cục bộ thông qua kích hoạt tế bào T và B và sản xuất kháng thể.

Vắc-xin có bản chất vi-rút cũng sẽ đến ống dẫn nước mắt để gắn vào và nhân lên. Ống dẫn nước mắt được lót bằng các tế bào biểu mô có cấu tạo giống như trong lỗ mũi, vì thế cơ chế bảo vệ cũng giống như phần đã đề cập ở trên. Vi-rút không gắn vào thành tế bào, được chuyển xuống miệng nhờ màng nhầy và sự di động của lông mao và kết quả sẽ bị đẩy ra khỏi cơ thể.

KÍCH THƯỚC GIỌT NƯỚC VÀ PHẢN ỨNG SAU KHI CHỦNG NGỪA

Như đã nói ở các phần trước, một vòi phun với áp lực đã thiết lập trước có thể tạo ra một loạt các giọt nước có kích cỡ khác nhau. Ngoài ra, tùy vào kích cỡ giọt nước, khi vào cơ thể gà, chúng sẽ đến được những vùng trong đường hô hấp khác nhau, như những giọt có kích thước nhỏ (<3μm) có thể đến được phổi và túi khí. Vì vậy, cần phải lưu ý cách sử dụng để điều chỉnh thiết bị đang phun dung dịch dạng thô.

Khi sử dụng chủng độc lực yếu hay không độc lực, một vài giọt đến được những phần sâu trong đường hô hấp có thể gây ra một vài phản ứng viêm nhẹ hoặc không xảy ra. Ngược lại, một vài giọt của dòng vi-rút độc lực cao vào được phổi và/hay trong túi khí hoàn toàn có khả năng gây ra các phản ứng hô hấp nặng nề và kết quả là làm giảm sự tăng trưởng của đàn hay thậm chí gây ảnh hưởng đến năng suất trứng của những con trưởng thành.

Trong cả hai trường hợp trên, khi các vi sinh vật khác xuất hiện trong thời điểm đang tiến hành phun sương, như Mycoplasma gallisepticum và Escherichia coli, có thể làm các phản ứng sau chủng ngừa xuất hiện trầm trọng hơn. Ngoài ra, nên nhớ rằng các phản ứng PVR cũng sẽ trầm trọng hơn khi thực hiện phun sương trong các đàn gà đang thở nhanh (như trong thời tiết nóng). Khi đó, các giọt nước mang vắc-xin có thể đi qua được hệ thống lọc của lỗ mũi và trực tiếp đi vào khí quản và phổi.

KẾT LUẬN

Sự thành công của chương trình chủng ngừa phụ thuộc vào bản chất vắc-xin sử dụng và phương pháp áp dụng để đưa vắc-xin vào cơ thể gà. Đối với phương pháp phun sương, cả trong trại ấp và trang trại nuôi, sự thành công phụ thuộc trực tiếp vào dòng vắc-xin và thiết bị sử dụng.

Trong phun sương tại trại ấp, nên sử dụng vắc-xin chất lượng cao với dòng vi-rút phù hợp cho gà con một ngày tuổi, máy phun sương có khả năng tạo ra các giọt nước có kích thước đồng đều và mỗi lần thực hiện nên có mật độ gà thích hợp. Hơn nữa, nên nghiêm túc tuân theo các khuyến nghị của nhà sản xuất máy phun sương khi cài đặt, sử dụng và bảo dưỡng dự phòng máy.

Cuối cùng, nên theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quy trình chủng ngừa sẽ giúp nhận biết được bất kì vấn đề nào có thể xảy ra ngay từ giai đoạn sớm. Từ đó, xác định được chính xác nguyên nhân và tiếp tục có được sự miễn dịch cần có để chống lại các bệnh trên đường hô hấp.

Nguồn Tạp chí chăn nuôi Việt Nam.